Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một động lực lớn để Việt Nam thay đổi.
Theo ông Doanh, mỗi một doanh nghiệp bằng sự sáng tạo và năng động có thể đi vào cách mạng công nghiệp 4.0 theo cách của mình. Như một cửa hàng hoàn toàn có thể vận dụng công nghệ 4.0 để kết nối khách hàng để kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng sản phẩm, hay một hiệu phở cũng có thể thực hiện 4.0 như có cần giao phở tới tận nhà hay không.
Vì thế, cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là thứ gì cao siêu trên trời, mà từ nông nghiệp, đến người bán hàng, đến tiệm phở, đến ngân hàng… hoàn toàn có thể thực hiện ngay cách mạng 4.0. Mặc dù vậy, theo ông, để “đón sóng” được cách mạng 4.0 cần sự thay đổi chính sách, cơ chế, cần sự tái cơ cấu đổi mới mạnh mẽ từ Chính phủ.
Chuyên gia Võ Trí Thành cũng cho rằng, để “đón” và bắt kịp được cách mạng công nghiệp 4.0 cần bốn yếu tố. Thứ nhất là thể chế và lãnh đạo, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng; thứ hai là hệ thống giáo dục, đào tạo, kỹ năng mới và nhân lực số; thứ ba là thể chế thúc đẩy sáng tạo và trong sáng tạo thì doanh nghiệp phải là trung tâm – tức tính thực dụng phải rất cao; và thứ tư là an ninh mạng, an ninh kết nối.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, cho rằng, cuộc cách mạng thứ ba Việt Nam đã không bắt kịp, cuộc cách mạng thứ tư thì thách thức lớn hơn. Nếu để phát triển tự nhiên thì trước sau cũng tốt lên, cũng tịnh tiến, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và các nước không biết có rút ngắn được hay không.
Vì thế, theo ông Liên, muốn bắt kịp 4.0 phải có sự đột biến. Nhưng chỉ có Nhà nước mới có thể thúc đẩy tạo ra những đột biến. “Để bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta có thể bắt kịp về tiêu dùng, tuy nhiên, để bắt kịp về sáng tạo và sản xuất thì cần phải có bàn tay mạnh mẽ từ Chính phủ”, ông nói.
Đại diện cho Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Phó chủ tịch Mai Duy Quang, cho rằng, Chính phủ phải tạo hành lang để doanh nghiệp, start-up công nghệ phát triển, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn.
“Khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của mọi người, trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đưa ra một góc nhìn khác.
Theo TS Lê Đăng Doanh, “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 ngày 3/4, Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao nội dung Báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Khoa học và Công nghệ và các chuyên gia Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
Chính phủ quyết nghị, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển.
“Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước hết là có bước đột phá về công nghệ thông tin”, Nghị quyết phiên họp Chính phủ nêu rõ và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan và VINASA xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ trưởng phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.
Trong quá trình thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một khảo sát được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho thấy có đến 85% thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm này, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết. Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ... chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai. Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% doanh nghiệp cho hay, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm. |
Tác giả bài viết: Thành Đạt
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc